Cho những ai cảm thấy chưa tự hào về công việc của một HR
Mỗi bộ phận trong một tổ chức đều như những chiếc bánh răng trong một guồng máy lớn.
Lúc mình mới bắt đầu công việc HR, công ty mình chia thành 2 department chính:
Production - team trực tiếp sản xuất sản phẩm phần mềm cho khách hàng, tức là team gồm developers, Quality assurance, Project Manager.
Non-production - tất cả những vị trí còn lại, bao gồm HR.
Non-production?!
Well, cái tên nghe như là không làm ra giá trị gì cả nhỉ? Hồi đó mình mới vào nghề nên cũng chưa ý thức được giá trị của phòng ban mình làm việc đối với bộ máy cả công ty. Riêng cái cách đặt tên là non-production team cũng không những không rõ ràng mà còn khiến mình hoài nghi về giá trị của department mình đang làm việc. Hơn nữa, có một số công việc đơn giản… như ở nhà: chuẩn bị trà nước tiếp khách, hay chuẩn bị snack chiều cho nhân viên - cũng là nhiệm vụ của HR.
Là một newbie mới vào nghề, mình thật sự chưa cảm nhận được giá trị và niềm tự hào về công việc của mình. Mình đã cảm thấy làm HR rất bé nhỏ, mang lại ít giá trị và thường không có trạng thái ‘fulfilled’ trong công việc. Mình đã ao ước mình có thể ‘có giá’ như những bạn developers, hay trông ‘oai’ như những anh chị PM đang trao đổi và giải quyết trực tiếp những vấn đề của khách hàng ngoài kia.
Sau này khi có thêm nhiều kinh nghiệm, hiểu hơn về cách vận hành tổng thể của một doanh nghiệp mình mới thật sự hiểu hơn về giá trị và sự đóng góp của team HR trong guồng máy hoạt động của một doanh nghiệp.
Mình hiểu ra rằng không có bộ phận nào quan trọng hơn bộ phận nào, không có công việc nào ‘oai’ hơn công việc nào. Mỗi bộ phận trong một tổ chức đều như những chiếc bánh răng trong một guồng máy lớn. Có những bánh răng lớn hơn, những chiếc có thể nhỏ hơn, nhưng nếu có bất kì một bánh răng nào bị dừng lại thì cả bộ máy đều sẽ không hoạt động được. Vì vậy mỗi bộ phận phải làm tốt nhiệm vụ của mình để đảm bảo cả bộ máy hoạt động được trơn tru và hiệu quả nhất có thể.
Có phải công ty nào cũng cần HR không?
Chức năng HR (HR function) luôn cần thiết ở tất cả mọi doanh nghiệp. Tuy nhiên, có nhiều công ty vẫn hoạt động ổn mà không cần đến bộ phận HR. Bởi vì đó là những công ty quy mô vừa và nhỏ nơi những người chủ/ quản lý đã kiêm nhiệm luôn chức năng HR ở mức tối thiểu mà chưa cần đến một người làm HR chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, những công ty đó chỉ có thể vận hành tới một mức độ quy mô nhất định mà thôi.
Không phải tất cả công ty đều cần đến bộ phận HR, nhưng bộ phận HR là thiết yếu đối với những công ty thành công.
Những giá trị HR tạo ra
Trong những năm trở lại đây, HR đã trở nên phổ biến hơn rất nhiều với những vai trò được gọi tên rất rõ ràng như:
Tuyển dụng nhân tài cho doanh nghiệp
Phát triển và duy trì văn hóa doanh nghiệp
Đào tạo và phát triển nhân viên
Là cầu nối để hài hòa mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhân viên
Hơn nữa, những mô hình về năng lực HR hiện đại đã dần dần thể hiện được sự kết nối giữa sự thành công của các chức năng nhân sự với sự thành công của một doanh nghiệp.
Điều này sẽ thể hiện rõ ràng hơn ở những công ty lớn nơi mọi chức năng được chuyên môn hóa nơi các chỉ số được ghi nhận, cập nhật và phân tích kĩ càng.
Còn đối với những công ty quy mô nhỏ, nơi những chuyên môn của HR chưa được phân tách rõ ràng thì HR nên có tư duy ‘go the extra mile’ để tìm ra được tiếng nói và tạo ra giá trị của mình.
Tinh thần “Go the extra mile”
Đối với nhiều công việc, làm tốt nhiệm vụ của mình là tốt. Nhưng đối với HR, mình cho rằng tinh thần “go the extra mile” là một điều cần thiết để có thể tạo ra nhiều ảnh hưởng hơn. Vì sao ư?
Rất nhiều khi, mình gặp những người sếp/ quản lý vẫn chưa hiểu hết vai trò và chưa biết tận dụng những giá trị của HR trong những hoạt động về con người. Ví dụ, ở vị trí của mình khi mới vào công ty, HR trong mắt của cấp trên lúc đó chỉ đơn giản là tập trung vào tuyển dụng và thực hiện những chức năng về hành chính - mà chưa coi HR là một partner trong quá trình vận hành con người.
Sau 3-6 tháng làm việc, mình nhận diện ra những thách thức của công ty như:
Mới mở công ty ở VN và chưa được nhiều ứng viên tiềm năng biết đến
Nội bộ nhân viên rất hài lòng với môi trường và công việc, nhưng chưa được ‘quảng bá’ đủ để nâng cao chất lượng tuyển dụng
Công ty đang lên kế hoạch thay đổi chiến lược nhưng chưa có phương pháp giao tiếp nội bộ với nhân viên phù hợp.
Vì vậy, mình đã chủ động chia sẻ những quan sát này với cấp trên với kèm với một số đề xuất. Những đề xuất này không cần thiết phải hoàn hảo, quan trọng là phần nào đó mình đã giúp những quản lý ‘nhìn thấy’ nhiều insights để cùng nhau hợp tác dần dần tạo ra những thay đổi cho công ty.
Từ đó trở đi, mình nhận thấy một sự thay đổi lớn: từ việc xem HR chỉ là một phòng ban tuyển dụng và thực hiện những chức năng về hành chính, những quản lý dần dần cho mình tham gia vào giai đoạn planning trong những vấn đề liên quan đến hoạt động con người.
Họ đã thực sự coi mình là một partner - chứ không chỉ là một executor nữa.
Mình kể câu chuyện trên để thể hiện ý tưởng rằng, trong rất nhiều trường hợp, HR phải là người tự tạo ra không gian để mang đến giá trị cho công ty. Vì vậy, ngoài những chức năng bạn đang đảm nhiệm, HR có thể tạo thêm những khoảng hở để tạo ảnh hưởng bằng cách:
Để tâm và theo dõi những thay đổi của công ty để hiểu về bức tranh lớn, từ đó mới có thể nhận diện được những điều có thể cải thiện hợp với hoàn cảnh công ty;
Tự tìm ra những ‘khoảng-hở’ mà mình có thể đóng góp (ví dụ, chủ động chia sẻ với các quản lý về những mối bận tâm hiện tại của nhân viên khi công ty thay đổi chiến lược)
Nắm bắt những thay đổi về nhân sự trên thị trường để đề xuất giải pháp với các quản lý.
Tóm lại
Việc hiểu rõ về vai trò của những ‘bánh răng’ trong bộ máy của một công ty (và mình đã không còn ao ước được làm dev hay PM nữa :P) là cực kì quan trọng để tạo ra sự thấu hiểu về giá trị HR tạo ra. Đây như một nguồn nhiên liệu xanh giúp chúng ta tự hào hơn về nghề nghiệp HR và cùng hướng đến việc tạo ra những sự ảnh hưởng và giá trị tốt hơn cho doanh nghiệp.
Bạn có trải nghiệm nào tương tự khi mới bắt đầu công việc HR như mình không? Rất mong được nghe những suy nghĩ hoặc trải nghiệm tương tự từ bạn :)
Hồng Ngân.
Huhu em thích đọc substack của c quá ạ, có lẽ 1 phần do cùng là người trong ngành.
Có thể do vị trí newbie và công ty ko dùng công nghệ nhiều nên em thấy mình cần làm khá nhiều việc hành chính nên đôi lúc hơi buồn chán vì ko được khám phá về ngành của mình lắm. Vì em biết HR có rất nhiều nhánh nghề mà em muốn trải nghiệm nhưng lượng công việc hành chính nhiều khi ko cho phép ><